Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Blog của thầy cô

Có những entry sẽ giúp bạn hiểu thêm về thầy cô rất nhiều... Hãy thử đọc một entry của cô Nguyễn Tuyết Nhung, GV dạy Văn trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), một trong rất nhiều thầy cô thường xuyên viết blog, để thấy rung động trước những suy tư của thầy cô nhé!



Các thầy cô giáo dành những entry trong blog
nói về những học trò thân thương của mình.


Một trong những việc cần thiết của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là cho học sinh viết Sơ yếu lí lịch. Từ công việc rất đỗi bình thường này, tôi nhận ra bao điều phải suy nghĩ.

Đầu tiên là chữ viết, trình bày. Mặc dù được tôi hướng dẫn và nhắc nhở, chỉ cần điền vào chỗ trống theo mẫu in sẵn nhưng không ít học sinh không ghi đủ những thông tin cần thiết như: ngày tháng năm, thiếu điểm TB năm học trước và kí tên không ghi họ tên. Tôi cũng không vui khi tờ Sơ yếu lí lịch lúc phát ra là tờ giấy sạch sẽ, thẳng thắn, vậy mà lúc nhận về có không ít tờ bôi xóa, nhàu nhàu. Những điều tưởng như rất nhỏ nhặt này cho thấy em đã là học sinh lớp 11 rồi nhưng chưa có ý thức về sự cẩn thận, em vẫn còn thiếu nghiêm túc với chính bản thân mình.

Đằng sau tờ Sơ yếu lí lịch còn làm tôi chạnh lòng. Đó là lúc tôi vừa bước ra khỏi lớp, có một em học sinh chạy theo hỏi: Cô ơi, phần địa chỉ của cha em không ghi được không? Tôi hỏi tại sao? Em trả lời: Vì em ở với mẹ. Cha mẹ em không còn liên lạc... Trong trường hợp này, tất nhiên tôi chấp nhận.

Đó cũng là lí do tại sao trong Sơ yếu lí lịch học sinh, tôi luôn để mục địa chỉ/số điện thoại liên lạc của cha và mẹ riêng. Chỉ nhìn vào đó, tôi có thể biết được phần nào hoàn cảnh gia đình các em. Dường như ngày nay, chuyện cha một nơi, mẹ một nẻo ngày càng nhiều. Những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào khi không còn chút liên lạc với ngay cả cha/mẹ ruột của chúng? Trong cuộc đời, con người bao lần phải viết Sơ yếu lí lịch. Mỗi lần như vậy, những trái tim non nớt, những tâm hồn bé bỏng này lại phải ngại ngần trước dòng chữ: Họ và tên cha?

Phần nguyện vọng với GVCN, đa số là: mong cô đổi chỗ cho em được ngồi gần bạn Q, mong cô cho em ngồi từ bàn 2 - bàn 3, mong cô dễ dãi với em, mong cô thương yêu và hiểu học sinh, mong cô không thiên vị, mong cô mãi mãi bên chúng em và lắng nghe những gì chúng em muốn nói, mong cô thương lớp nhiều nhiều, mong cô tổ chức giờ SHCN vui tươi, tạo không khí đoàn kết, mong cô..., mong cô... Và tôi cũng mong mỗi em hãy cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại để học tập thật tốt. Các em hãy sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và nhà trường bắt đầu từ những việc đơn giản nhất! Cuối cùng, tôi mong tôi có đủ sức khỏe, niềm tin và lòng yêu nghề để cùng các em đi trên con đường mình đã chọn.

Theo Blog của cô Tuyết Ngung (GV trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - Q.11, TP.HCM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Diem Tin Blog. Design By: SkinCorner